Theo đó, các địa phương đang có bệnh cúm gia cầm thực hiện khẩn cấp các biện pháp phòng, chống dịch theo hướng dẫn của cơ quan chuyên môn, chỉ đạo UBND các xã có gia cầm mắc bệnh cúm A/H5N1 tập trung mọi lực lượng nhanh chóng bao vây khống chế các ổ dịch; hướng dẫn cách ly các đàn gia cầm tại chuồng, thực hiện vệ sinh tiêu độc khử trùng; tiêm vắc-xin cúm gia cầm để bao vây dập tắt ổ dịch. Lập các biển báo, băng rôn thông báo vùng có bệnh cúm gia cầm, nghiêm cấm việc vận chuyển, mua bán, giết mổ gia cầm, sản phẩm gia cầm. Thiết lập các chốt kiểm dịch tạm thời để ngăn chặn việc vận chuyển gia cầm, sản phẩm gia cầm ra, vào xã có bệnh cúm gia cầm. Các địa phương chưa có bệnh cúm gia cầm xảy ra phải tăng cường công tác giám sát phát hiện sớm gia cầm mắc bệnh; thực hiện tiêu hủy ngay toàn bộ đàn gia cầm tại hộ có gia cầm mắc bệnh, chết. Những đàn gia cầm mới mua về nuôi tái đàn, thực hiện việc nuôi cách ly ít nhất 14 ngày và thực hiện tiêm phòng vắc-xin cúm trước khi nhập đàn.
Được biết, trên địa bàn tỉnh Quảng Nam, từ đầu năm 2014 đến nay, bệnh cúm gia cầm đã xảy ra ở các đàn vịt của 04 hộ thuộc xã Duy Trinh và xã Duy Châu, huyện Duy Xuyên; tại huyện Thăng Bình cũng đã phát hiện các đàn vịt nuôi của 03 hộ ở hai xã Bình Chánh và Bình Nguyên có hiện tượng mắc bệnh chết nhanh, nhiều, có biểu hiện triệu chứng lâm sàng và bệnh tích của bệnh cúm gia cầm, các đàn vịt mắc bệnh này chưa được tiêm vắc-xin phòng bệnh cúm. Các đàn vịt bị bệnh đã được tổ chức tiêu hủy kịp thời và áp dụng các biện pháp bao vây khống chế không lây lan thành dịch. Tuy nhiên, hiện nay là thời điểm sản xuất chăn nuôi bước vào mùa tái đàn, số lượng gia cầm nuôi mới nhiều, bên cạnh đó gần 4 triệu con gia cầm trên địa bàn tỉnh đến nay vẫn chưa tiêm vắc-xin phòng bệnh cúm. Vì vậy, nguy cơ dịch bệnh trên đàn gia cầm xảy ra trên địa bàn tỉnh trong thời gian đến là rất lớn. Do đó, Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu các địa phương đang có dịch cúm cần triển khai khẩn cấp các biện pháp nêu trên, đồng thời các địa phương không có dịch xảy ra cũng cần có những biện pháp, kế hoạch dự phòng nhằm kịp thời ngăn chặn, dập dịch khi dịch xảy ra trên địa bàn.
Bản quyền thuộc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Tỉnh Quảng Nam.
Trụ sở: 119 - Hùng Vương - Thành Phố Tam Kỳ - Quảng Nam
Điện thoại : 02353.852479 - Fax : 02353.852629 - Email : snnptntqna@gmail.com.
Đơn vị thiết kế: Trung Tâm Công Nghệ Thông Tin và Truyền Thông Quảng Nam (QTI)